Cách ghi số tiền trên hóa đơn điện tử theo Thông tư 68/2019/TT-BTC

25/10/2021 - 06:29
900 views

[Hóa đơn điện tử S-Invoice] – Đơn vị tiền tệ và số tiền là những tiêu thức quan trọng và bắt buộc có trên hóa đơn điện tử. Trong thời điểm chuyển tiếp giữa những quy định cũ và mới về hóa đơn điện tử, S-Invoice xin chia sẻ cách ghi số tiền trên hóa đơn điện tử mới nhất theo Thông tư 68/2019/TT-BTC.

Ảnh minh họa: Cách ghi số tiền trên hóa đơn điện tử S-Invoice theo Thông tư số 68
Ảnh minh họa: Cách ghi số tiền trên hóa đơn điện tử S-Invoice theo Thông tư số 68

1. Những điểm mới trong quy định về đơn vị tiền tệ và số tiền trên hóa đơn điện tử

Theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 68/2019/TT-BTC, quy định về “Chữ viết, chữ số và đồng tiền thể hiện trên hóa đơn điện tử”:

Quy định về chữ viết ghi trên hóa đơn điện tử:

Chữ viết hiển thị trên hóa đơn là tiếng Việt. Trường hợp cần ghi thêm chữ nước ngoài thì chữ nước ngoài được đặt bên phải trong ngoặc đơn ( ) hoặc đặt ngay dưới dạng tiếng Việt và có cỡ chữ nhỏ hơn chữ tiếng Việt. Trường hợp chữ trên hóa đơn là chữ tiếng Việt không dấu thì các chữ viết không dấu trên hóa đơn phải đảm bảo không dẫn tới cách hiểu sai lệch nội dung của hóa đơn.

Quy định về chữ số ghi trên hóa đơn điện tử:

Chữ số hiển thị trên hóa đơn là chữ số Ả-rập: 0, 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9. Người bán được lựa chọn một trong hai cách ghi sau:

  • Sau chữ số hàng nghìn, triệu, tỷ, nghìn tỷ, triệu tỷ, tỷ tỷ phải đặt dấu chấm (.), nếu có ghi chữ số sau chữ số hàng đơn vị phải đặt dấu phẩy (,) sau chữ số hàng đơn vị hoặc
  • Sử dụng dấu phân cách số tự nhiên là dấu phẩy (,) sau chữ số hàng nghìn, triệu, tỷ, nghìn tỷ, triệu tỷ, tỷ tỷ và sử dụng dấu chấm (.) sau chữ số hàng đơn vị trên chứng từ kế toán.

Quy định về cách ghi đơn vị tiền tệ:

Đồng tiền ghi trên hóa đơn là Đồng Việt Nam, ký hiệu quốc gia là “đ”.

Ví dụ: Doanh nghiệp A bán linh kiện điện tử cho doanh nghiệp B với tổng số tiền là 02 tỷ 179 triệu đồng thì cách ghi như sau:

  • Tổng số tiền thanh toán: 2.179.000.000 đ.
  • Số tiền viết bằng chữ: Hai tỷ một trăm bảy mươi chín triệu đồng.

– Trường hợp nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh bằng ngoại tệ theo quy định của pháp luật về ngoại hối, thì đơn giá, thành tiền, tổng số tiền thuế giá trị gia tăng theo từng loại thuế suất, tổng cộng tiền thuế giá trị gia tăng, tổng số tiền thanh toán được ghi bằng nguyên tệ. Người bán đồng thời thể hiện trên hóa đơn tỷ giá nguyên tệ với đồng Việt Nam theo tỷ giá theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

– Mã ký hiệu ngoại tệ theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ví dụ: 13.800,25 USD – Mười ba nghìn tám trăm đô la Mỹ và hai mươi nhăm xu; Ví dụ: 5.000 EUR – Năm nghìn euro.

– Trường hợp bán hàng hóa phát sinh bằng ngoại tệ theo quy định của pháp luật về ngoại hối và được nộp thuế bằng ngoại tệ thì tổng số tiền thanh toán thể hiện trên hóa đơn thể hiện theo nguyên tệ, không phải quy đổi ra đồng Việt Nam.

Thông tư 68/2019/TT-BTC chính thức có hiệu lực từ 14/11/2019. Cách thể hiện số tiền trên hóa đơn được quy định tại Thông tư 68 không có sự thay đổi so với các quy định trước đó. Tuy nhiên, Thông tư 68 đã bổ sung thêm trường hợp cho phép các đơn vị đặc thù bán hàng và nộp thuế bằng ngoại tệ được lập hoá đơn bằng ngoại tệ mà không cần sử dụng tỉ giá Việt Nam đồng.

2. Số tiền hiển thị trên hóa đơn điện tử như thế nào?

Tiêu thức số tiền thể hiện trên hóa đơn điện tử là tiêu thức bắt buộc (nội dung bắt buộc phải có trên hóa đơn điện tử), trừ trường hợp Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển điện tử thì không thể hiện tiền thuế, thuế suất, tổng số tiền thanh toán. Cách thức hiển thị số tiền trên hóa đơn tùy thuộc vào tùy từng loại hóa đơn, cơ bản như sau:

Loại hóa đơn Hiển thị
Hóa đơn điện tử giá trị gia tăng. Tổng tiền chưa có thuế GTGT: ……………………
Tổng tiền chưa có thuế GTGT: ……………………
Hóa đơn điện tử bán hàng (dùng cho tổ chức, cá nhân khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp). Tổng tiền thanh toán: …………………………………
Số tiền viết bằng chữ: …………………………………
Hóa đơn điện tử Giá trị gia tăng (dùng cho một số tổ chức, doanh nghiệp đặc thù). Thành tiền chưa có thuế GTGT: ………………………………………
Thuế suất giá trị gia tăng: ………………………………… % Tiền thuế giá trị gia tăng: ………………………………………
Tổng tiền thanh toán: …………………………………
Số tiền viết bằng chữ: …………………………………
Hóa đơn điện tử giá trị gia tăng (dùng cho một số tổ chức, doanh nghiệp đặc thù thu bằng ngoại tệ). Tổng tiền chưa có thuế GTGT: …………………………………
Tổng số tiền thuế giá trị gia tăng theo từng loại thuế suất: ……………………
Tổng tiền thanh toán đã có thuế GTGT: ……………
Số tiền viết bằng chữ:. ………………………………

 

Trên đây là chia sẻ cách ghi số tiền trên hóa đơn điện tử theo quy định Thông tư 68/2019/TT-BTC; khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ người bán cần phải nắm rõ cách ghi số tiền và đơn vị tiền tệ để khởi tạo hóa đơn điện tử cho chính xác. Chúc quý doanh nghiệp thành công!

Đăng ký